Steve Jobs – Walter Isaacson

Nếu cách đây chỉ vài năm, bạn còn nhìn thấy hầu hết mọi người cầm quyển sách hay tờ báo trên tay để đọc thì ngày nay mọi thứ đã rất khác. Bạn sẽ nhìn thấy người ta cầm trên tay iPhone hay iPads, lướt ngón tay trên màn hình để tìm đọc và xem những thứ họ cần; nghe nhạc trong iPhone; kết mạng và online mọi nơi, ngay cả khi bạn không ở trước màn hình máy tính. Bạn bè của bạn biết được bạn đang làm gì, ở đâu. Tất cả đã trở nên rất đơn giản. Một cuộc cách mạng thực sự trong lối tiêu dùng. Và đó là những gì mà Apple và Steve Jobs đã mang lại cho thế giới này.

Giới thiệu sách

Sau hơn bốn mươi bài phỏng vấn độc quyền với Steve Jobs và hơn 100 cuộc gặp gỡ với gia đình, người thân, đồng nghiệp, bạn bè cũng như đối thủ của Steve Jobs, Walter Isaacson đã viết nên một câu chuyện mê hoặc lòng người về một cuộc đời đầy ắp những thăng trầm, về một cá tính lập dị đầy sức mê hoặc của một doanh nhân sáng tạo với khát khao vươn tới sự hoàn mỹ. Tất cả được phơi bày một cách hết sức chân thật; niềm đam mê, chủ nghĩa hoàn hảo, sự tinh quái, niềm khát khao, tính nghệ thuật, sự liều lĩnh và cả nỗi ám ảnh kiểm soát, được kết nối trọn vẹn với phương thức kinh doanh cũng như chế tạo sản phẩm của Steve Jobs.

Cuốn sách này xuất hiện tại Pháp vào tháng 11/2011. Sách khá dày 668 trang gồm 41 chương, tuy nhiên dễ đọc với văn phong mạch lạc, đơn giản và lôi cuốn.

Trên hơn cả câu truyện về Steve Jobs, cuốn sách cũng trình bày cho ta về sự tiến hóa của công nghệ vào nhưng năm 70 tới ngày nay. Chúng ta theo dõi sự thành lập của các tập đoàn lớn và tìm thấy ở đó rất nhiều những giai thoại, bí mật trong thế giới các tập đoàn công nghệ. Cuốn sách này không chỉ kể về cuộc đời của Steve Jobs mà nó còn trình bày chi tiết cách tổ chức công ty, đối thủ cạnh tranh,và nguồn gốc của tất cả các sản phẩm của Apple từ những chiếc máy tính đầu tiền iMac đến chiếc bảng tính cuối cùng iPad.

Những điều bổ ích mà tôi đã học được từ “Steve Jobs” của Walter Isaacson

Đầy cảm xúc sau khi đọc xong cuốn sách này. Tôi tự nhận thấy rằng thế giới mất đi một người lãnh đạo lớn. Một con người sống bằng niềm đam mê và theo đuổi niềm đam mê đó đến cùng. Biết rằng con người của Steve Jobs thực sự là sự trỗn lẫn những cảm xúc phức tạp nhưng chính điều đó làm cho ông trở nên khác biệt. Tính nổi loạn, lập dị, ương bướng, cáu kỉnh, khó tính đến khắc nghiệt đã làm cho những người cùng làm việc và sống với ông không thể chịu đựng được. Nhưng cũng chính những tính cách khác người đó mà ông đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lối tiêu dùng của sản phẩm công nghệ ngày nay.

Tôi đã khám phá ra Steve Jobs, một người hết sức nhậy cảm, hoàn toàn tắch rời với thế giới vật chất, một người có tầm nhìn lớn, một người không sợ bị ghét bỏ. Và chắc chắn Jobs cũng rất được yêu mến bởi những người khác, bởi khách hàng của ông ấy bởi tầm nhìn, sự hiền hòa, và những ý tưởng sáng sủa mà ông ấy muốn đi theo.

Nhưng tôi không dùng từ thiên tài để chỉ cho Steve Jobs (trong khi hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng và ngay cả trong cuốn sách này, tác giả cũng ví Steve Jobs tương xứng với các thiên tài khác là Einstein). Trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời và sự nghiệp của Jobs, không phủ nhận ông là một người tài năng, đầy sáng tạo. Nhưng nếu xét về tất cả những sản phẩm của Apple, ý tưởng rất hiếm khi đến từ chính con người ông. Ông thừa nhận mình không thực sự rành về công nghệ. Nếu như trong hầu hết các bằng sáng của chế của Apple đều có tên ông thì ông không phải là người tiên phong đưa ra ý tưởng về các công nghệ mới đó. Nhưng ông tài năng vì ông biết biến những ý tưởng của mình và của người khác thành hiện thực và thành một sản phẩm rất đơn giản đến với người tiêu dùng. Đó là một tài năng mà không phải ai cũng làm được. Đến như Bill Gates người mà Jobs không hề ưa thích (và thực sự là họ chưa bao giờ hợp tính nhau) cũng phải thừa nhận sự đóng ghóp to lớn của Steve Jobs trong làng công nghệ.

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP:

Steve Jobs sinh vào ngày 24 tháng hai năm 1955 bởi vợ chồng Joanne Schieble và Abdulfattah Jandali. Ông sau đó được vợ chồng Clara và Paul Jobs nhận làm con nuôi. Trong cuốn tiểu sử này Steve Jobs đã nói “Biết được bố mẹ nuôi nhận làm con nuôi có thể làm cho tôi độc lập hơn, nhưng tôi chưa bao giờ cảm nhận rằng mình bị bỏ rơi – mà chỉ là sự khác biệt”. Và chúng ta sẽ gặp sự khác biệt này trong suốt cuốn tiểu sử của Steve Jobs.

Ngay từ khi còn nhỏ Steve Jobs đã phám phá và say mê thế giới điện tử. Năm 1974 Jobs làm việc cho Atari. Ông lập Apple vào năm 1976 cùng với một người bạn học trên tuổi mình là Steve Wozniak, cũng là một người tài năng xuất chúng. Apple I ra đời với giá là 666,66 đô la. Trong năm 1976, hai người đồng nghiệp đã bán được 150 máy tính. Đó là động lực cho Jobs và Wozniak tạo ra phiên bản thứ hai của máy tính cá nhân Apple II.

Năm 1979, máy tính Lisa ra đời, đây là một giai đoạn đáng chú ý trong thiết kế máy tính cá nhân. Năm 1980 Apple xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Hai Steve trở thành triệu phú. Đầu năm 1981 Steve Jobs có ý tưởng cho chiếc máy Macintosh. Trong cùng năm này Bill Gates đến thăm xưởng sản xuất của Apple. Ngay từ khi mới gặp mặt, hai người đã bày tỏ quan điểm khác nhau: Steve Jobs nghĩ rằng máy tính là để dành cho cá nhân, gia đình, học sinh…nhưng Bill Gates thì nghĩ rằng máy tính là để dành cho môi trường làm việc.

Năm 1983, Steve Jobs đã gặp John Sculley người đã từng là giám đốc điều hành của hãng Pepsi (Cola). Steve đã để lại một câu nói nổi tiếng như một lời mời John Sculley về làm việc cho mình “Ông muốn dành cả đời mình đi bán nước ngọt hay muốn cùng tôi thay đổi thế giới này ?”.

Ngày 24 tháng 1 năm 1984 máy tính Macintosh đã ra đời.

Nhưng sau đó Steve Jobs lại bị sa thải ra khỏi Apple bởi chính John Sculley. Đó là một giai đoạn hết sức khó khăn với Jobs. Sau đó, quyết theo đuổi niềm đam mê của mình, ông đã lập ra Next. Trong thời gian này Microsoft cũng cho ra Window phiên bản 1.0 cái giống như hai giọt nước với IO của Macintosh. Chính điều này làm cho Jobs căm thù Bill Gates vì ông cho rằng phiên bản Window này là hoàn toàn đánh cắp ý tưởng của Macintosh.

Năm 1986 Steve Jobs mua lại Pixar của Georges Lucas. Năm 1987 Steve tìm thấy được bố mẹ đẻ của mình và biết mình có một người chị là nhà văn Mona Simpson.

Năm 1993, đến lượt John Sculley đã bị sa thải bởi hội đồng quản trị vì không điều hành tốt Apple. Năm 1996, giám đốc điều hành Michael Spindler cũng phải từ chức và quyền điều hành Apple đựoc trao cho Gil Amelio nhưng mọi việc cũng không được cải thiện. Chứng khoán của Apple sụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử của công ty. Trong lúc này, một sự chuyển biến bất ngờ, Apple mua lại Next với giá 430 triệu đô la. Steve Jobs giữ chức giám đốc điều hành tạm thời sau Gil Amelio phải từ chức.

Khi quay trở lại Apple, Steve Jobs đã tuyên bố rằng “Phương án cho Apple không phải là giảm giá thành sản phẩm. Phương án cho Apple lúc này là sự đổi mới”. Chính trong năm này Steve Jobs tuyển Jonathan Ive trong việc thiết kế cho Apple.

Năm 2000 Steve Jobs tuyên bố trở thành giám đốc điều hành cho Apple và gọi đội ngũ của ông là “iCEO”

Năm 2001 Apple cho ra đời iPod. Ipod đã làm thay đổi toàn bộ thế giới âm nhạc. “Tất cả chỉ trong túi của bạn”.

Năm 2004, Steve phải trải qua một cuộc phẫu thuật tuyến tụy khi ông 49 tuổi.

Năm 2007, Steve Jobs giới thiệu Iphone, điện thoại cảm ứng đầu tiên của Apple, một chiếc điện thoại cách mạng với phần mêm lướt web tốt. Năm 2008, Steve Jobs giới thiệu MacBook Air, máy tính mỏng nhất thế giới.

Năm 2009, Steve nghỉ 6 tháng để điều trị bệnh cấy ghép gan. Năm 2010 Steve Jobs quay trở lại giới thiệu iPad, một sản phẩm cách mạng của Apple mà chúng ta có thể lên mạng, xem thư, chơi, và đọc chỉ với bàn tay.

Tháng 9 năm 2010, Jobs giới thiệu iPod cảm ứng, iPod nano, và Apple TV.

2011 Steve Jobs tuyên bố nghỉ vô thời hạn vì bệnh tình của mình. Steve Jobs cũng tuyên bố Tim Cook sẽ là giám đốc điều hành của Apple trong thời gian tới. Steve Jobs mất ngày 5 tháng 10 năm 2011.

Tôi có thể tóm tắt con người của Steve Jobs trong bốn đặc điểm sau:

1. STEVE JOBS, CON NGƯỜI CỦA TÂM LINH

Ngay từ khi còn là một sinh viên, Steve Jobs đã quan tâm đến việc tìm kiếm tâm linh. Trong những năm 1970, Steve Jobs bắt đầu con đường chinh phục tâm linh của mình: thiền, yoga, thăm dò ảo giác… Sau khi kết thúc trung học, Steve Jobs đến học ở trường đại học Reed và khám phá tâm linh phương Đông, và ông bắt đầu thiền định. Trong thời gian này ông bắt đầu chế độ ăn chay, chỉ ăn trái cây và rau quả mà không ăn tinh bột. Ông cũng không phủ nhận đã dùng cần xa khá thường xuyên. Đến năm 19 tuổi, ông bỏ học và bắt đầu làm việc cho một hãng các trò chới video tại Atari. Trong thời gian này ông bắt đầu một cuộc hành trình đi tìm kiếm sự giác ngộ tại Ấn Độ trong vòng 7 tháng. Luôn đi trân trần và chỉ đi săng đan khi có tuyết rơi là một đặc tính của Steve Jobs. Ông đã nhớ lại thời trai trẻ của mình “Tôi sinh ra trong một thời đại huyền bí, đó là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”. Tâm linh phương đông và văn hóa thiền định không phải là một giai đoạn thoáng qua trong cuộc đời của Steve Jobs, mà nó ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của ông sau này.

2. STEVE JOBS LẬP DỊ

Tính cách nổi loạn của ông không ngừng được tăng lên với thời gian, tuổi tác và cuộc đời ông. Steve Jobs thậm chí đã khẳng định mình như một người nổi loạn sáng chói.

Bên trên sự nổi loạn mạnh mẽ đó, ông cũng là một người nổi loạn trong cuộc sống đời thường: không mang biển số xe ô tô, đỗ xe vào chỗ đỗ xe dành cho người khuyết tật. Ngay cả trong trụ sở chính của Apple, Steve Jobs đi lại với chân trần, măc quần jean, với áo thun cao cổ màu đen. Ông lạc lõng giữa thế giới các lãnh đạo với vét và cà vạt. Steve Jobs đã cho phép cả cuộc đời mình không theo bất kỳ một luật lệ thông thường nào. Và ông cho đó là “sự suy nghĩ khác biệt” hay “Think different”.

3. STEVE JOBS TÀI NẰNG

“Tôi đã có rất nhiều cơ hội trong sự nghiệp và cuộc sống của mình và tôi đã làm tất cả mọi điều mà tôi có thể” Steve Jobs đã nói như vậy. Cuộc sống và sự nghiệp của ông như là hiện thân của giấc mơ người Mỹ (Americain Dream): một công ty nhỏ được tạo ra trong nhà để xe và cuối cùng trở thành một trong những công ty lớn mạnh nhất trong làng công nghệ. Steve Jobs theo tôi không phải là một nhà sáng chế nhưng là người biết trộn lẫn những ý tưởng của mình và của mọi người với công nghệ, và quan trọng hơn hết là ông có một tầm nhìn xa trông rộng. Ngay cả khi đến cuối đời, biết mình không thể còn sống được bao lâu nữa, ông đã lập lên một kế hoạch dài hạn cho Apple. Những người nối tiếp ông hiện đang đi theo con đường mà ông đã vạch ra.

Máy tính Macintosh sử dụng cửa sổ được lấy cảm hứng từ những gì mà Xerox đã chuẩn bị. Chính Steve Jobs đã nói “Đó chỉ là những nhà sản xuất sao chép lại ý tưởng mà không có ít nhất một ý tưởng máy tính nên trở nên thế nào”. Ví dụ về con chuột máy tính cũng khá sốc: Xerox tưởng tượng ra một con chuột có 3 nút, phức tạp và trị giá 300 đô la, trong khi một con chuột của Apple chỉ thiết kế với 1 nút, giá cả giảm xuống chỉ còn 15 đô la và chúng thì đơn giản để sử dụng.

Xu hướng lấy cảm hứng từ người khác đựoc Steve Jobs công nhận nó, ông thậm chỉ ra câu nói của Picasso “Nghệ sỹ giỏi sao chép, nghệ sỹ tài năng đánh cắp nó”. Người sáng lập Apple còn lấy cảm hứng ngay từ đồng nghiệp của mình. Bud Tribble người phát triển phần mềm cho Mac nói “Nếu bạn nói một ý tưởng mới cho Steve Jobs, ông ấy sẽ nói ngay lập tức rằng ý tưởng ấy chỉ là ý tưởng tồi, đáng bỏ đi. Và một tuần sau, ông ấy sẽ đến văn phòng của bạn và trình bầy chính xác những gì mà bạn đã trình bày với ông ấy như thể ý tưởng ấy là của chính ông ây.”

Về công nghiệp máy tính, Jobs có cái nhìn và quan điểm hoàn toàn trái ngược với Bill Gates. Thậm chí ông còn cho Gates là một người bất tài, không có gu thẩm mỹ nào, người mà đến cuối đời của sự nghiệp không còn tìm ra đựoc một hướng đi mới nào cho Microsoft phải đi làm từ thiện (trong khi Jobs thì rất ghét các hoạt động từ thiện). Ngược lại với Bill Gates, Jobs nhìn sản phẩm máy tính trong tính tổng thể của nó, từ quan hệ phần cứng, phần mềm, cho đến sự xếp hợp chúng trong một hệ thống thống nhất. Steve Jobs không ưa hệ thống quá mềm và có quá nhiều tự do trong mỗi sản phẩm. Đó chính là sự rối loạn mà Jobs đã chiến đấu ở Apple. Jobs muốn kiểm soát toàn bộ và không muốn bất cứ ai có thể mở và xem những gì bên trong sản phẩm của Apple. Trong làng công nghệ, Jobs thể hiện đúng là một con người như lời của Platon “Cách tốt nhất để trị vì là một nền chuyên chính được dẫn dắt bởi bởi một kẻ độc tài có ý tưởng và sáng suốt”.

Jobs không làm việc vì tiền. Cả cuốn sách toát lên điều đó. Cái mà Jobs muốn bảo vệ là Jobs muốn áp đặt sự lựa chọ của ông cùng với việc hứa hẹn tự do cho người tiêu dùng nhưng lại đặt tất cả đóng trong một hệ thống bóng bẩy và thuận tiện. Cái mà người tiêu dùng đang tìm kiếm trong thời đại của chúng ta: không đau đầu để tìm xem nó hoạt động ra sao và đẹp để sử dụng. Steve Jobs đã làm đúng như vậy với các sản phẩm của Apple và làm tro công ty này trở thành công ty giàu nhất hành tinh.

Sau 36 năm tồn tại, dưới cảm hứng của Steve Jobs (dù không phải tất cả là của ông) Apple đã cách mạng hóa công nghiệp: máy tính tin học Apple II; cửa hàng mác Apple Store, công nghiệp âm nhạc với iTunes Store, máy tính bảng iPad.

4. STEVE JOBS THAO TÚNG

Ông ta hét lên trong các cuộc họp “Thật là ngu, mọi người đang làm cái chết tiệt gì thế này ?” “Lúc nào cũng chỉ có như vậy”. Steve Jobs là một nhà quản lý luôn trong trạng thái tức giận, hống hách và thiếu kiên nhẫn. Ông ấy nổi tiếng là một người ám ảnh bởi việc muốn kiểm soát tất cả mọi quy trình sản xuất. Sự mưu cầu sự hoàn hảo không ngừng nghỉ, kết hợp với sự khó khăn của ông trong điều khiển cảm xúc và sự quá trung thực đến sắc nét của Steve Jobs đã làm cho ông mang một hình ảnh của người độc ác, cay nghiệt. “Công việc của tôi là nói ra khi cái gì đó chỉ là đồ bỏ đi, thay vì hạn chế tối đa vấn đề. Tôi đòi hỏi mọi người sự hoàn hảo, và tôi là như vậy” Steve Jobs nói như vậy trong tiểu sử của ông ấy.

Ngoài thói hung hăng của mình, Steve Jobs có một cái nhìn hai mặt về thế giới, một mặt “giác ngộ” và mặt khác “trần tục”. Và tính hai mặt này cũng thể hiện trong cách đối sử với người xung quanh ông. “Thực sự là khó khăn để làm việc dưới sự điều hành của Steve Jobs vì ông ấy có một sự phân biệt mạnh mẽ giữa hai thế giới.” Bill Atkinson. Kiên quyết, ưa sự hoàn hảo đến mức ông quyết định làm lại những dự án mà ông không ưng ý từ con số không sau nhiều tháng làm việc cật lực. Ông biết cách tạo dựng những người giỏi xung quanh mình và cũng không ngần ngại ném đi những người mà ông coi là bất tài mà ông thường nói là “đồ ngu” trái ngược hoàn toàn với “nhân tài” trong quan điểm hai mặt của con người ông. Mỗi một mặt có thể được Steve Job ứng dụng vào cùng một người tùy theo cảm xúc của người đó hay tùy theo cái mà họ giới thiệu với Jobs trong ngày hôm nay hay ngày mai.

Theo Jobs, tất cả mọi người đều có thể bị thay thế ngay cả khi người đó đã được ông chọn lựa một cách kỹ lưỡng. Jobs là một người lãnh đạo lãnh đạm, lạnh lùng. Chỉ có duy nhất một người không thể thay thế được trong mắt Jobs là Johnny Ive, nhà thiết kế tài ba, là nhà thiết kế của hầu hết các sản phẩm đẹp mắt từ iMac đến iPads của Apple.

Theo dòng thời gian, Steve Jobs nắm vững cách khẩn nài, nịnh nọt, thuyết phục hay hăm dọa. “Tuy nhiên Steve không bao giờ là một nhà chiến lược tuyệt vời. Ông không đủ kiên nhẫn trong việc đi tìm ân huệ từ người khác”. Sau cuộc xung đột với giám đốc điều hành John Sculley năm 1985, Steve Jobs bị lật đổ ngay bởi chính công ty mà ông đã tạo ra.

Tuy nhiên theo Walter Isaacson, điểm nổi bật nhất của Steve Jobs là sự tập trung của ông: ông đã học được cách nhìn soáy vào mắt của đối phương. “Sự im lặng của ông cũng có thể sắc nét như lời nói của ông”. Steve Jobs rất giỏi trong việc bóp méo sự thật. Tribble Bub, nhà phát triển đầu tiên Mac nói “Với ông, thực tế cũng dễ trở nên uốn nắn như ông muốn. Nó có thể làm cho bất cứ ai tin vào bất cứ điều gì”

Tác giả kết luận: Steve Jobs, xứng đáng có một chỗ đứng cạnh Franklin và Einstein. Mỗi người có một thiên tài trực quan, sự tưởng tượng sáng tạo, một khả năng suy nghĩ khác người. Trên cả thông minh, họ tháo vát và sáng tạo.

KẾT LUẬN:

Có lẽ sẽ không ai có thể quên câu nói nổi tiếng của Steve Jobs “Hãy khát khao, hãy cứ dại khờ” “Stay hungry, stay foolish” mà ông đã phát biểu trong buổi lễ trao bằng của trường đại học Stanford 2005.