“Factfulness”, mình tạm dịch là “Nhìn thế giới qua những con số thực tế”.
Nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống hằng ngày với lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố…Chúng ta có thể tưởng rằng thế giới này ngày càng tồi tệ đi. Nhưng trong cuốn sách này Hans Rosling đã chỉ ra cho chúng ta biết rằng thế giới mà chúng ta sống đang tốt hơn mỗi ngày.
Hans Rosling là bác sĩ, giáo sư của tổ chức giáo dục và sức khỏe nổi tiếng. Ông là nhà tư vấn cho tổ chức Y Tế thế giới và UNICEF và ông cũng là nhà đồng sáng lập ra Gapminder và tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Thụy Điển. Bài TED talk của ông đã thu hút hơn 35 triệu lượt view và ông được Time magazine bình chọn ông là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Tác giả bắt đầu cuốn sách bằng 13 câu hỏi về thế giới xoay quanh các chủ đề về dân số, giáo dục, thu nhập, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…Đây là các câu hỏi mà tác giả đặt ra cho rất nhiều người trên toàn thế giới, phần lớn là tri thức, có kiến thức và vị trí cao trong xã hội. Nhưng kết quả của các câu trả lời cho thấy rằng chỉ một phần rất nhỏ trả lời đúng các câu hỏi. Chúng ta đang nhận thức rất sai lầm về thế giới mà chúng ta đang sống.
Lý do của sự nhận thức sai lầm một phần là do các phương tiện truyền thông nhưng phần lớn là do 10 bản năng làm chúng ta nhận thức sai lầm về thế giới mà chúng ta đang sống. 10 bản năng làm chúng ta nhận thức sai lầm về thế giới đó là:
Bản năng chia cắt: Lầm tưởng thế giới đang bị chia cắt thành 2 thái cực hoàn toàn khác nhau giống như kiểu bên Tây thì tốt còn lại tất cả chỉ là nghèo đói. Theo tác giả khái niệm các nước phát triển và các nước đang phát triển nếu đúng vào những năm 1960 thì nó không còn phù hợp với thực tế ngày hôm nay. Thế giới không còn tồn tại hai thái cực gồm những người quá giàu và những người quá nghèo mà phần lớn chúng ta có mức thu nhập trung bình đủ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời đại của những nước phương Tây sẽ sớm kết thúc và kỷ nguyên của những người Châu Á và Châu Phi sớm lên ngôi. Tính đến năm 2050 Ấn Độ sẽ thay thế Mỹ để đứng vào vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về kinh tế. Đứng thứ 4 sẽ là Indonesia. Các nước phương Tây sẽ lùi lại vị trí trong bảng xếp hạng để nhường chỗ cho các nước Châu Á và Châu Phi.
Bản năng tiêu cực: Nếu được đặt ra câu hỏi là trong vòng 20 năm trở lại đây thì tỷ lệ dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói là bao nhiêu (gấp 2 lần, không thay đổi, giảm đi một nửa) thì bạn sẽ chọn câu trả lời như thế nào ? Phần lớn mọi người trả lời đúng chỉ chiếm 10%. Câu trả lời đúng là những người sống rất nghèo đói đã giảm đi một nửa. Nếu như tỉ lệ những người rất rất nghèo là 50% vào 1966 thì nó chỉ còn là 9% vào 2017. Đó là một sự tiến bộ vượt bậc. Chúng ta thường lầm tưởng thế giới đang ngày càng xấu đi khi hàng ngày nhìn những sự việc như khủng bố, dịch bệnh, thiên tai…Nhưng tác giả đã chỉ ra với con số thực tế rằng tất cả các lĩnh vực cuộc sống đã được cải thiện rất nhiều chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây.
Bản năng tuyến tính: Chúng ta lầm tưởng dân số thế giới sẽ tăng mãi theo đường thẳng nhưng thực tế tác giả chỉ ra rằng dân số sẽ ổn định vào khoảng 12 tỷ dân vào năm 2100. Vì sao số dân ổn định vào năm 2100 ? Vì chúng ta hiện nay đang ở trong giai đoạn thiết lập tái cân bằng. Trung bình một gia đình vào những năm 1965 có 5 con. Vì đó là giai đoạn nghèo và y tế kém tỷ lệ trẻ em chết sớm cao, có 5 con để đảm bảo số con sống sót trên 5 tuổi cao. Còn khi nền kinh tế tốt hơn như vào năm 2017 thì trung bình mỗi người phụ nữ chỉ sinh 2.5 trẻ. Như vậy khi nền kinh tế tốt hơn số trẻ em sinh ra sẽ giảm đi và dân số thế giới sẽ đi vào ổn định khi. Tính từ 2060, hằng năm sẽ có khoảng 2 tỷ trẻ sơ sinh và có 2 tỷ người mất đi. Như vậy dân số thế giới sẽ phát triển theo đường cong. Điều này đúng với tất cả các lĩnh vực khác nhau như thu nhập, giáo dục, môi trường…
Bản năng sợ hãi: Hằng ngày chúng ta nghe rất nhiều thông tin trên báo đài về thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tai nạn và những thông tin này càng làm cho chúng ta sợ hãi về một thế giới bất ổn hơn. Nhưng nếu nhìn vào những con số thực tế thì thế giới mà chúng ta đang sống đang ngày trở nên an toàn hơn rất nhiều. Những con số chỉ ra cho chúng ta rằng số lượng người chết trong các thiên tai đã giảm hơn một nửa hằng năm trong vòng 100 năm qua. Nếu như năm 1930 cứ 1 triệu người thì có 453 người chết vì thiên tai thì đến năm 2016 con số này chỉ còn là 10. Tai nạn máy bay nếu vào năm 1930 thì cứ 10 triệu người bay có khoảng 2100 người chết thì con số này chỉ còn là 1 vào năm 2016. Về những người chết do chiến tranh thì nếu vào những năm 1945 thì ta có 2013 người chết trong 1 triệu người, con số này chỉ còn 12 vào năm 2016. Dịch bệnh hay khủng bố cũng theo chung xu hướng này.
Bản năng trầm trọng hóa: Chúng ta lầm tưởng những con số trước mắt là quan trọng và là con số quyết định.
Bản năng tạo khuôn mẫu: Chúng ta nghĩ 1 trường hợp sẽ đúng với tất cả.
Bản năng số phận: Chúng ta lầm tưởng tất cả mọi việc đều đã được quyết định từ trước.
Bản năng đơn giản hóa: Chúng ta nghĩ có thể hiểu thế giới chỉ từ một góc nhìn.
Bản năng đổ lỗi: Chúng ta nghĩ cứ đổ được trách nhiệm cho ai đó là mọi việc sẽ được giải quyết.
Bản năng thiếu kiên nhân: Chúng ta lầm tưởng bây giờ không quyết định ngay thì sẽ phải hối hận trong tương lai.
Trong mỗi bản năng này tác giả cũng đưa ra cách giải quyết khắc phục. Cuốn sách này còn đưa ra cho chúng ta những bước cụ thể để có thể nhìn thế giới qua những con số để có cái nhìn khách quan hơn để tìm cách giải quyết trong mọi lĩnh vực như giáo dục, kinh doanh, chính trị và tổ chức mà chúng ta làm việc.
Dù tác giả theo trường phái tích cực khi nhìn nhận vấn đề, nhưng tác giả cũng đề cập đến 5 nguy cơ mà chúng ta nên lo lắng.
1/ Thứ nhất đó là Đại dịch toàn cầu. Thế giới đã trải qua nhiều đại dịch toàn cầu như là bệnh cúm Tây Ban Nha làm chết 50 triệu người, nhiều hơn cả chiến tranh. Và theo các nhà chuyên gia thì kiểu đại dịch này có thể xuất hiện và vẫn nguy hiểm cho thế giơi. Nhưng thế giới hiện nay vẫn tốt hơn thế giới mà chúng ta sống cách đây 30 hay 50 năm để chống chọi với đại dịch này.
2. Thứ hai là sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này thật kinh khủng nếu nó xảy ra vì nó sẽ làm sụp đổ kinh tế toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp sẽ leo thang kinh khủng và rất rất nhiều hậu quả khác nữa. Tất cả những nhà kinh tế giỏi nhất cũng không thể dự đoán được làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi sự sụp đổi này nếu nó xảy ra bởi vì hệ thống mà chúng ta đang sống quá phức tạp.
3. Chiến tranh thế giới lần thứ 3: Chúng ta phải không ngừng nghỉ thiết lập quan hệ giữa các nước. Chúng ta cần thế vận hội, chương trình trao đổi hay bất cứ điều gì để tăng cường sự hòa bình của thế giới. Điều này cũng cải thiện dần dần với thời gian
4. Biến đổi khí hậu: Không nên chỉ nhìn vào một hậu quả xấu để kết luận rằng biến đổi khí hậu tạo nên sự đe dọa lớn. Nguồn tài nguyên chung chỉ có thể được sử dụng tốt bởi một thế giới hòa bình dẫn dắt bởi các tiêu chí toàn cầu. Điều này có thể thực hiện được và chúng ta cũng đang thực hiện chúng dù chưa thực sự hiệu quả.
5. Sự nghèo đói tột cùng: Đây cũng là một thực tế. Nội chiến tại các nước như Afghaistan và Châu Âu. Khủng bố ở nơi rất nghèo….Ngày nay thế giới thay đổi tốt lên mỗi ngày nhưng vẫn tồn tại khoảng 800 triệu người bỉ bỏ rơi. Nhưng chúng ta cũng biết phương cách để đưa 800 triệu người này thoát khỏi cảnh nghèo đói: hòa bình, giáo dục, y tế, năng lượng, nguồn nước sạch. Chúng ta không cần đổi mới để xóa đi sự nghèo đói mà chỉ cần áp dụng những phương cách đã được kiêmr chứng ở mọi nơi. Chúng ta chỉ cần phải hành động nhanh chóng
Lời cuối cùng tác giả muốn nói qua cuốn sách là nhìn thế giới thực tế qua các con số sẽ hữu ích hơn để hướng cuộc sống của chúng ta. Nó giống như một GPS thích hợp thì hữu ích để tìm đường đi. Và quan trọng hơn là nhìn thế giới qua những con số thực tế làm cho chúng ta ít lo âu, tạo hy vọng nhiều hơn là thảm kịch chỉ bởi vì thảm kịch thì tiêu cực và làm chúng ta sợ hãi. Nếu chúng ta nhìn thế giới dựa vào những con số thực tế thì chúng ta sẽ thấy rằng thế giới không tồi đi như chúng ta tưởng và chúng ta có thể nhìn thấy những điều chúng ta nên làm để giữ cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn.