Cha giàu, Cha nghèo

“Một trong những nguyên nhân khiến người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo, còn giới trung lưu thì thường mắc nợ chính là vì chủ đề tiền bạc thường được dạy ở nhà chứ không phải ở truờng học”. Chúng ta ra truờng sau 4 hay 5 năm học đại học với một tấm bằng cử nhân hay kỹ sư, chúng ta nghĩ đến tìm một công việc sau đại học với một đồng lương ổn định. Chúng ta hài lòng với những gì mà mình đang chọn mặc cho chúng ta phải lai lưng ra làm để trả những hóa đơn hàng tháng, những món nợ nần. Còn nhà trường chỉ tập trung vào việc giáo dục sách vở với những kỹ năng nghề nghiệp mà không nói gì về kỹ năng tài chính. Điều đó dẫn đến kết quả là mọi người làm việc vì tiền bạc mà không học cách dùng tiền bạc làm việc cho mình.

Đây là một cuốn sách hay, có nhiều bài học bổ ích cho những ai muốn làm giàu, muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của làm công ăn lương, của nợ nần, của các hóa đơn phải trả hàng tháng. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn tóm tắt nội dung cuốn sách, cũng như nêu ra những điểm mạnh và điểm yếu của cuốn sách.

Giới thiệu sách

Cha giàu, cha nghèo : Đó là câu chuyện của hai người cha, một người cha ruột có bằng thạc sĩ, người cha nuôi (là cha của một người bạn thân nhất của tác giả) thì chưa học hết lớp tám, cả hai người cha đều thành công trên con đường sự nghiệp. Nhưng người cha ruột (cha nghèo) đến cuối đời vẫn không trả được hết các hóa đơn phải thanh toán. Người cha giàu thì trở thành một trong những người giàu nhất Hawai. Sự khác nhau trong quan điểm của họ về tiền bạc đã mang lại cho tác giả niềm khao khát học hỏi, muốn hiểu tại sao hai cuộc đời lại khác nhau đến vậy và muốn vươn lên làm giàu. Nếu người cha nghèo thường nói « Ham mê tiền bạc la nguồn gốc của mọi điều xấu » hay « Tôi không mua nổi vật đó » thì người cha giàu lại nói « Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu» hay «Làm thế nào để mua được vật đó».

Cả hai người cha đều rất tôn trọng việc giáo dục và học hỏi tuy nhiên họ bất đồng về việc học cái gì là quan trọng. Cha nghèo thì muốn con mình học hành chăm chỉ, có bằng tốt để xin được một công việc ổn định và kiếm được nhiều tiền. Còn cha giàu thì khuyên tác giả học để trở nên giàu có, để hiểu về tiền bạc làm việc như thế nào và học cách bắt tiền bạc phải làm việc cho mình. Quan niệm sống của ông là «Tôi không làm việc vì tiền. Tiền bạc phải làm việc vì tôi».

Trong cuốn sách này cha giàu với tất cả những kinh nghiệm sống của mình đã dạy cho tác giả (từ khi tác giả mới 9 tuổi) ý nghĩa thực sự của tiền bạc, cách quan niệm về tiền bạc, cách kiếm ra nó và cách quản lý nó. Cha giàu đã dạy cho tác giả 6 bài học. Bài học quan trọng nhất là hiểu thế nào về tinh thần và thời gian để tạo ra của cải. Hãy giải phóng bạn khỏi «vòng chuột» (Rat Race). Học cách biết nắm lấy cơ hội, tìm ra giải pháp, học cách làm cho tiền làm việc vì bạn mà không phải trở thành nô lệ của đồng tiền.

Những điều bổ ích mà tôi đã học được từ « Cha giàu, cha nghèo »

Người nghèo làm việc vì tiền bạc. Người giàu buộc tiền bạc phải làm việc cho mình

Có nhiều tiền hơn không chắc giải quyết được vấn đề (với nợ nần đến tận cổ, không biết cách quản lý tiền)

Vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào.

Người giàu mua tài sản, còn người trung lưu mua tiêu sản còn người nghèo thì mua chi phí.

Người giàu mua những thứ xa xỉ sau cùng trong lúc người nghèo và người trung lưu có khuynh hướng mua chúng trước hết.

Nếu bạn có ít tiền mà muốn làm giàu, bạn cần phải «tập trung» chứ không nên «cân đối».

Sự lựa chọn làm nên sự khác biệt trong cuộc sống.

Bài học thứ nhất : Người giàu không làm việc vì tiền
Làm thế nào Kiyosaki lập ra «công ty» riêng của ông từ khi ông mới 9 tuổi ?

Kiyosaki và người bạn thân nhất của ông là Michael đã đề nghị bố của Michael dạy cho cách làm giàu từ khi mới 9 tuổi. Bố của Michael đã bắt đầu giao cho Kiyosaki và Michael một việc xếp hàng hóa trong xưởng của ông với giá 10 xu một giờ cho 3 giờ làm việc vào mỗi thứ bẩy. Thời đó 10 xu không đáng là bao (1 quyển chuyện tranh cũng đã hết 10xu) và công việc thì chán ngắt theo lời của tác giả.

Sang đến tuần thứ tư thì Kiyosaki không chịu được và quyết định xin nghỉ việc vì nghĩ mình chẳng học được cách làm giàu nào trừ trở thành tên nô lệ của 10xu một giờ. Bài học đầu tiên về tiền bạc mà Kiyosaki đã học được sau khi nói chuyện với cha giàu là « Đời sẽ chẳng nói gì với con mà chỉ sô đẩy con thôi. Khi bị đời sô đẩy, một số người bỏ cuộc, một số người khác thì chiến đấu. Một số ít học được những bài học và tiếp tục đi ». Và thường thì người ta bỏ cuộc trong lần thất bại đầu tiên, người ta muốn an toàn, sợ thât bại và cuộc đời của họ thì toàn màu tẻ nhạt. « Do đó, hầu hết mọi người dùng những năm tháng tốt nhất trong đời để làm những việc vì tiền mà thật sự họ không hiểu họ đang làm việc vì gì ».

NHÌN THẤY NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC KHÔNG NHÌN THẤY

Sau đó thì Kiyosaki và Michael đã làm phải làm việc không công cho người cha giàu. Công việc bắt đầu trở nên dễ dàng hơn. Vì không được trả lương nên Kiyosaki và Michael phải nghĩ ra cách để kiếm được tiền. Trong một lần làm việc, Kiyosaki thấy bà Martin cắt trang đầu của của cuốn truyện tranh làm đôi, bà giữ lại nửa bìa trên trang sách và bỏ đi cả cuốn còn lại vào thùng các tông lớn. Kiyosaki đã hỏi người giao sách liệu mình có thể lấy những cuốn truyện tranh đó không và ông ấy đã đồng ý với điều kiện là không được bán lại nó. Kiyosaki bắt đầu chất đống những cuốn truyện tranh này trong một căn phòng ở tầng hầm và khai trương thư viện truyện tranh với khách hành là bọn trẻ hàng xóm. Chị gái của Michael được thuê làm thủ thư. Để vào được thư viện, bọn trẻ sẽ trả 10xu cho hai tiếng. Trung bình sau ba tháng, Kiyosaki và Michael đã kiếm được 9,5$ mỗi tuần. Và vậy là Kiyosaki đã học được bài học đầu tiên : Học cách buộc tiền bạc phải làm việc cho mình.

Bài học thứ hai : Tại sao giáo dục về tài chính là không thể thiếu ?
Trường học không dạy cho chúng ta làm thế nào để trở nên giàu có

Hầu hết chúng ta đều làm việc vất vả, theo đuổi nghề nghiệp của mình một cách thành công nhưng chúng ta vẫn gặp phải những khó khăn về tài chính. Chúng ta ra trường mà không có một kỹ năng tài chính nào. Trường học không dạy cho chúng ta những kỹ năng đó. Mục đích đầu tiên của hệ thống giáo dục ngày nay là dạy bạn cách đi vào thế giới nghề nghiệp để bạn có thể trở thành một người làm công được trả lương cao mà không dạy bạn trở thành nhà doanh nghiệp tốt.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biết về tiền bạc giữa người giàu và người nghèo là sự khác nhau về kiến thức tài chính cơ bản. Việc thiếu những kiến thức về tài chính trong giới người nghèo hay người trung lưu đã tạo ra những rủi ro mà họ phải đối mặt.

Người nghèo và người trung lưu rất thường cho phép tiền bạc làm chủ mình. Mỗi sáng họ chỉ đơn giản thức dậy đi làm mà quên tự hỏi rằng những điều mình đang làm có ý nghĩa gì hay không. Không am hiểu về tiền bạc, phận lớn mọi người để cho quyền lực của tiền bạc điều khiển mình. Vì vậy để thoát khỏi cái bẫy dó, chính bạn phải học cách làm thế nào để tăng lợi nhuận cho bản thân và cho gia đình. Bạn phải có nhiều kiến thức về tài chính để chăm sóc tài chính của bạn một cách đúng cách.

Cách thóat khỏi «vòng chuột» (Rat Race) là :

PHẢI BIẾT SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TÀI SẢN (ASSET) VÀ TIÊU SẢN (LIABILITY)

«Tài sản bỏ tiền vào túi của bạn còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi của bạn». Người ta trở nên giàu hay nghèo phụ thuộc vào người ta mua tài sản hay mua tiêu sản.

Ví dụ về tài sản và tiêu sản:

TÀI SẢN TIÊU SẢN
Nhà Vay nợ
Chứng khoán Mua trả góp
Trái phiếu Thẻ tín dụng

Nhà trong bảng trên phải là nhà mà bạn đầu tư, nếu là nhà bạn mua để ở thì đó không phải là tài sản mà là tiêu sản. Vì theo quan niệm của tác giả nó làm cho tiền của bạn trong túi chui ra nhiều hơn.

Hầu hết mọi người làm việc suốt đời để trả cho một ngôi nhà mà họ không bao giờ thực sự được sở hữu vì sau nhiều năm họ lại muốn mua ngôi nhà mới, mỗi lần mua nhà như vậy sẽ kéo dài món nợ đến nhiều năm. Khi bạn mua nhà có nghĩa là bạn mất đi cơ hội để đầu tư vào những điều khác. Ngôi nhà như là một món nợ phải trả. Bạn sẽ phải làm việc vất vả để trả những khoản phụ thêm (thuế nhà đất, thuế bảo dưỡng…). Và tiền bạc sẽ tiếp tục chuyển qua cột tiêu sản. Đó là khuôn mẫu vòng quay tiền bạc «Rat Race» của giới trung lưu.

Điều đó không có nghĩa là bạn không nên mua nhà nhưng nếu mua một ngôi nhà quá đắt tiền thay vì nên bắt đầu một danh mục vốn đầu tư sẽ làm cho cuộc sống của bạn mất mát nhiều thứ. Khi muốn mua một căn nhà lớn hơn, đầu tiên bạn phải mua số tài sản để có thể phát sinh vòng quay tiền mặt để đủ trả cho ngôi nhà ấy. Đó là những gì mà người giàu làm mà người trung lưu hay người nghèo thường làm ngược lại.

Một điều khác nữa là người trung lưu hay người nghèo thường gặp những khó khăn tài chính vì họ không hiểu vòng quay tiền mặt. Tiền họ có được phần lớn là nhờ vào đồng lương mà họ kiếm được. Sinh kế của họ phụ thuộc vào các ông chủ. Khi thu nhập của họ tăng lên, chi phí (thuế thu nhập, thế giá trị gia tăng khi mua xài, mua xắm hàng hóa…) tăng theo, số tiêu sản vì thế cũng tăng theo. Và như vậy là họ rơi vào cái bẫy «Rat Race». Chính cách tiêu sài tiền của họ là nguyên nhân chính gây ra những vật lộn về tài chính.

Người giàu ngày càng trở nên giàu hơn vì họ biết cách làm phát sinh nhiều thu nhập hợ số cần thiết cho các chi phí, và chúng lại được đem vào đầu tư cho cột tài sản (đầu tư nhà đất, chứng khoán…). Cột tài sản sẽ ngày càng phát triển vì vậy mà thu nhập ngày càng nhiều hơn.

Ở Pháp, mọi người sau khi ra trường đi làm có công việc ổn định, họ ước mơ có thể trở thành « propriétaire » hay chủ sở hữu nhà. Lương tháng trung bình của một kỹ sư mới ra trường là khoảng từ 2000-2300 Euro sau khi trừ hết các khoản thuế. Nếu họ mua một căn hộ trị giá 150000-200000Euros, họ phải tính trả góp ít nhất từ 15-25 năm. Nếu bạn muốn mua căn hộ to hơn (80-100 mét vuông) với giá từ 300000 Euros đến 400000 Euros thì bạn phải tính trả trong vòng 25 năm với hai người có công việc ổn định và lương cao. Lời khuyên của tôi ở đây là, nên mua ngôi nhà đầu tiên với giá thấp nhất nếu có thể và chuẩn bị tài chính trước khi mua để có thể trả nợ một cách hiệu quả nhất.

Tôi giải thích vì sao mà ngôi nhà (mua để ở) của bạn không nằm trong cột tài sản vì :

1. Bạn phải làm việc cả cuộc đời của bạn để trả nợ
2. Tiền bảo dưỡng nhà chiếm một khoản không nhỏ
3. Bạn phải trả thuế nhà
4. Ngôi nhà của bạn có thể mất giá nếu thị trường bất động sản có vấn đề và bạn mua nó khi giá nhà cao ngất ngưởng
5. Nên đầu tư tiền của bạn vào tài sản để nó có thể mang lại cho bạn tiền một cách đều đặn, và bạn dùng số tiền bạn nhận được trả cho ngân hàng khi bạn vay để mua nó

Tóm tắt : để thoát khỏi « vòng chuột » Rat Race, thì bạn phải :

1. Hiểu sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản
2. Tập trung vào mua những tài sản cái tạo cho bạn nguồn thu đều đặn (đầu tư cho thuê nhà chẳng hạn)
3. Giữ cho việc tiêu tiền ở mức thấp nhất

Bài học thứ ba : Hãy nghĩ đến việc kinh doanh của bạn
Giữ công việc của bạn bây giờ, nhưng hãy không ngừng học hỏi, nghĩ đến việc kinh doanh cho chính bạn.

Bạn hãy bắt đầu bằng việc mua những tài sản chứ không phải là tiêu sản. Một chiếc xe hơi mới mất 25% giá trị của chúng khí chúng được đưa ra khỏi cửa hàng bán xe. Hãy giảm thiểu các chi tiêu và cố gắng xây dựng một nền tảng tài sản vững chắc. Khi một đôla rơi vào tay mình thì đừng bao giờ để nó ra đi một cách vô ích. Hãy biến nó thành nhân công của bạn. Hãy chuẩn bị cột tài sản vững chắc trước khi bước vào đời lập gia đình, mua nhà, có con. Nếu không bạn sẽ không thoát khỏi vòn quay Rat Race

Bài học thứ tư : Thuế khóa và quyền lực của các tập đoàn
Hãy thiết lập liên minh cho công việc của bạn để hạn chế những rủi ro.

Những người giàu thì thiết lập được hệ thống các liên đoàn lớn mạnh với quyền lực mà người nghèo hay người trung lưu không thể có hay tưởng tượng được. Chính sự lớn mạnh và thế lực của các liên đoàn này mà người giàu có thuận lợi là trả ít thuế khóa hơn so với những gì mà họ kiếm được, trong khi người trung lưu thì phải trả nặng về thuế khóa.

Những nhà tư bản tìm đến sự bảo vệ của liên đoàn vì họ hiểu được quyền lực của tiền bạc. Tỉ lệ thuế thu nhập liên đoàn thấp hơn tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân. Một liên đoàn có một số chi phí phải trả trước khi phải trả thuế trong khi người trung lưu và người nghèo thì ngược lại, họ phải trả thuế trước khi trả các khoản khác.

CHỦ DOANH NGHỊÊP NGƯỜI LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG
Kiếm tiền Kiếm tiền
Tiêu tiền Trả thuế
Trả thuế Tiêu tiền

Kiyosaki sau đó đã trình bày vốn kiến thức mà ông có (còn gọi là IQ tài chính) đã giúp ông tránh khỏi vòng Rat Race ngay từ khi còn trẻ :

1. Kế toán : Phát triển khả năng đọc và hiểu được các bản thống kê tài chính. Khả năng này cho phép bạn nhận biết được mặt mạnh và mặt yếu của bất cứ một công ty kinh doanh nào
2. Đầu tư : Chiến lược và công thức kiếm tiền
3. Hiểu biết thị trường : Cần nắm bắt tốt những khía cạnh « kỹ thuật » của thị trường.
4. Hiểu biết luật pháp : Một cá nhân có kiến thức về những thuận lợi thế vụ và được liên đoàn bảo vệ, có thể trở nên giàu có nhanh chóng hơn rất nhiều so với những nhân viên hay chủ sở hữu các doanh nghiệp nhỏ lẻ đơn độc.

Bài học thứ năm : Tiền tạo ra tiền, người giàu lại càng giàu hơn
Hãy trả cho mình trước

Năng lực tài chính đòi hỏi kiến thức và sự can đảm, niềm tin vào chính mình. Những tiềm năng này đều ẩn chứa ở tất cả mọi người, điều kìm nén chúng ta chính là sự thiếu tự tin. Trang bị cho mình một sự can đảm cùng với những hiểu biết tài chính (IQ tài chính) sẽ là chìa khóa cho bạn tiến cùng với thời đại. Tài sản quyền lực nhất mà tất cả chúng ta đều có là bộ óc. Nếu được huấn luyện tốt, nó có thể tạo ra những của cải khổng lồ trong chốc lát.

Kiyosaki chia đầu tư ra làm hai dạng :

1.Đầu tư trọn gói : Trong cách đầu tư này bạn giao tiền của bạn cho một tổ chức, một quỹ chúng, hay một ngân phiếu để họ đầu tư thay bạn.
2.Tạo ra đầu tư : Bạn tự mình quản lý đầu tư riêng của bạn. Nếu làm theo cách này thì bạn sẽ trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cha giàu khuyến khích Kiyosaki tạo ra đầu tư cho riêng mình. Để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, bạn cần phải có thêm ba kỹ năng sau :

- Tìm ra cơ hội mà người khác bỏ lỡ
- Biết cách tăng tiền
- Biết cách tổ chức được những người thông minh

Có rất nhiều điều bạn phải học, nhưng phần thưởng mà bạn nhận được cho những nỗ lực này là rất lớn. Điều quan trọng nữa là bạn phải biết chấp nhận rủi ro lớn. Trong kinh doanh luôn luôn tồn tại rủi ro, bạn phải biết chấp nhận với những rủi ro đó thay vì né tránh chúng.

Bài học thứ sáu : Hãy làm việc để học, đừng làm việc vì tiền

Có một tài năng suất chúng thôi chưa đủ. Thế giới này có rất nhiều có bằng học vấn cao nhưng lại có cuộc sống đầy khó khăn về tài chính. Tác giả trình bày bẩy kỹ năng giúp cho chúng ta kiếm tiền một cách dễ dàng. Thực tế kỹ năng duy nhất mà mọi người có là làm việc một cách chăm chỉ. Và chính điều này cứ làm cho người ta mãi nghèo. Hãy trang bị cho mình nhiều hơn là một kỹ năng. Hãy không ngừng học hỏi.

Kiyosaki khuyên bạn hãy tìm những kỹ năng mà bạn muốn đạt được trước khi tìm việc. Tìm việc vì những gì họ đã học hơn là những gì họ sẽ kiếm được. Hãy đa dạng hóa sự hiểu biết của bạn. Có thể nhìn vào cuộc đời của Kiyosaki để hiểu hơn ông đã ham học hỏi và tham gia vào nhiều ngành nghề đến mức nào. Ông tốt nghiệp Học viện Mậu dịch Hàng hải Mỹ vào năm 1969. Ông làm việc sau đó cho công ty Standard Oil California với tư cách là thủy sư cho tàu chở dàu. Ông có cả một sự nghiệp phía trước nhưng sau sáu tháng làm việc, ông xin thôi việc và tham gia vào Marine Corps để học lái máy bay. Sau đó lại làm cho Xeror Corps trong một chương trình bán hàng tốt nhất nước Mỹ. Ông thôi việc và lập công ty đầu tiên của mình vào 1977 năm ông 29 tuổi. Ông trở thành triệu phú năm 41 tuổi và thực sự độc lập tài chính vào năm 47 tuổi.

Kiyosaki đưa ra 5 lý do mà nhiều người có hiểu biết về tài chính nhưng cũng không thể phát triển được cột tài sản để có thể tạo ra vòng quay tiền mặt lớn. 5 lý do này là :

1. Sự lo sợ : Ai cũng sợ bị mất tiền và không người giàu nào là không mất tiền ít nhất một vài lần trong cuộc đời của họ. Cái khác nhau là thái độ của bạn như thế nào về sự mất mát đó.
2. Sự hoài nghi : Bạn nghi ngờ về chính khả năng của bạn ? Bạn nghi ngờ về nền tài chính toàn cầu ? Những mối nghi ngờ đó là rào cản ngăn bạn đi tới. Hãy bước tới, bắt tay vào làm, xóa bỏ hoài nghi, bạn sẽ thấy được đâu là chân lý thực sự
3. Sự lười biếng : Đó là sự lười biếng của những người cố giữ cho mình bận bịu.
4. Thói quen xấu : Cuộc sống là tấm gương phản chiếu những thói quen. Hãy tạo dựng cho mình những thói quen tốt, cuộc sống sẽ trở nên rất dễ dàng.
5. Tính kiêu ngạo : Cái tôi quá lớn cộng với sự thiếu hiểu biết sẽ chỉ mang lại cho bạn những thất bại mà bạn không lường trước được. Hãy lắng nghe và học hỏi.

10 BƯỚC ĐỂ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH THIÊN BẨM CỦA BẠN

1. Tôi cần lý do hơn là một thực tế : Hãy nghĩ đến tự do, độc lập tài chính, những điều bạn mong muốn đạt tới. Hãy có những ham muốn, và đủ mạnh, thực tế khó khăn của con đường trước mặt có thể sẽ khiến bạn nản lòng đấy.
2. Hãy chọn mỗi điều mỗi ngày : Tự do, bạn có quyền lựa chọn những gì bạn muốn thuộc về bạn. Và làm theo những gì bạn đã chọn cho dù nó không thuộc về số đông. Đó là điều làm nên sự khác biệt.
3. Hãy đầu tư vào việc học trước tiên : Tài sản duy nhất mà bạn có được là trí óc của bạn, công cụ mà bạn có thể chi phối nó. Hãy sử dụng nó một cách tối ưu.
4. Hãy chọn bạn cho cẩn thận : Người ta không chọn bạn vì tình hình tài chính của họ. Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ những người bạn của bạn. Hãy trân trọng nó.
5. Học về tài chính : Mở rộng sự hiểu biết của bạn về tài chính và hãy lựa chọn cận thận những gì mà bạn muốn học.
6. Hãy trả cho mình trước : Hãy trả cho mình trước, đó là làm giàu cho mình.
7. Hãy trả lương hậu hĩnh cho những người môi giới : Đó là những người mang lại tiền bạc cho bạn, hãy đối đãi với họ hậu hĩnh.
8. Hãy làm một « người tặng quà da đỏ » : Đó là quan niệm ROI (tiền lời của đầu tư). Bạn phải biết bao nhiêu lâu bạn có thể thu về được từ một vụ đầu tư.
9. Hãy tìm người anh hùng của bạn : Làm như người mà bạn vẫn ngưỡng mộ.
10. Hãy dạy người khác, bạn sẽ học được nhiều điều : Đó là sức mạnh của việc cho đi. « Nếu bạn muốn cái gì đó, thì bạn phải cho đi trước đã ».

KẾT LUẬN :

« Cha giàu, cha nghèo » là một cuốn sách hay. Nó đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của mọi người về đồng tiền, về cách làm giàu. Dù bạn đã trang bị kiến thức tốt về tài chính, làm giàu thì những lý lẽ trong cuốn sách này càng khẳng định một cách chắc chắn hơn về quan niệm đồng tiền mà bạn đã được học. Thường chúng ta quan niệm là tìm được một ý tưởng làm giàu thì thật là khó, và những người làm được thường là những người có những thiên bẩm về tài chính. Nhưng không, do chính sự mày mò, ám ảnh đặt câu hỏi trong đầu : làm sao để thoát khỏi cuộc sống hiện tại ; ngày lại ngày đến cơ quan ; làm công ăn lương ; cuộc sống trong cái vòng luẩn quẩn nợ nần…sẽ giúp bạn tìm ra những ý tưởng mới cho cuộc sống của mình.

Ưu điểm :

- Cuốn sách trình bày mạch lạc, dễ hiểu, lý luận logic, thực tế
- Hai hình ảnh cha giàu và cha nghèo là một tương phản rõ nét cho những lý luận của tác giả về giàu nghèo
- Cuốn sách cung cấp cho bạn động lực, ý tưởng mới mẻ. Đặc biệt là cung cấp cho bạn niềm nhiệt huyết, muốn áp dụng ngay những điều đã học được

Nhược điểm :

- Tiếc là sách ít cung cấp những dẫn chứng cụ thể để người đọc có thể hình dung tốt hơn những lý lẽ của tác giả.